Việt Nam có lịch sử khoa cử hơn 840 năm tính từ khoa thi đầu tiên năm 1075 thời Lý cho đến khoa thi cuối cùng năm 1919 thời Nguyễn. Trong khoảng thời gian lịch sử ấy, đã có gần 3000 nhà khoa bảng đã được vinh danh từ các kỳ thi khác nhau. Họ đã đóng góp vào tiến trình phát triển không ngừng của quốc gia, của trí tuệ Việt Nam. Tuy nhiên nghiên cứu về khoa cử không chỉ đi sâu vào lịch sử và thể chế mà còn phải chú ý đến văn chương khoa cử. Xác định được điều đó, khi nghiên cứu về giáo dục khoa cử Thăng Long – Hà Nội PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh đã tiếp cận được với một kho bài phong phú trong đó nhiều thể loại như: Kinh nghĩa Bát cổ, Chế, Chiếu, Biểu, Luận, Thơ… Tiếp cận từ góc độ văn chương khoa cử Việt Nam thì văn sách thi Đình đối là thể loại tiêu biểu hơn cả. PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh cùng các cộng sự đã biên soạn thành công cuốn sách “Văn sách thi Đình Thăng Long – Hà Nội”.
Thi Đình là một kỳ thi đặc biệt, kỳ thi cao nhất của khoa thi Tiến sĩ do Hoàng đế trực tiếp chỉ đạo từ việc ra đề thi cho đến chấm bài và xét đỗ. Bài thi chỉ làm tròn trong một ngày với khoảng 3.000 chữ. Những vấn đề được lựa chọn thường là những vấn đề quốc gia đại sự, hoàng đế đưa ra nhằm tìm được kế sách hay, do đó nó không phải là bài thi thông thường chỉ có tính chất kiểm tra kiến thức mà là bài thi để chọn người tài, giao việc lớn. Chính vì vậy, văn sách thi Đình là một dạng bài văn được chọn để đưa vào hội điển quốc gia với ý nghĩa nêu chuẩn mực cho các thế hệ sĩ tử. Các sĩ tử phải chăm chỉ rèn luyện, rùi mài kinh sử. Các bài thi đó là những bài văn thể hiện một cách cao nhất, tiêu biểu nhất cho trình độ học vấn của người thi từ kinh điển, sử sách và những hiểu biết từ thực tế đời sống. Do tính chất quan trọng đó của kỳ thi nên những bài văn sách thi Đình phải đạt tới đỉnh cao vời vợi về ngữ văn. Chính vì lẽ đó PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh và nhóm biên soạn đã rất dày công, cẩn thận, tỷ mỷ để dịch và chú giải các áng văn kỳ vĩ của các sĩ tử ngày xưa. Đặc biệt là phải rất cẩn trọng trong việc dịch đúng nghĩa, chuyển tải hết ý của các bậc cao nhân xưa là điều không dễ dàng khi mà các văn bản lưu lại được chủ yếu bằng chữ Hán cổ. Tuy nhiên, với kinh nghiệm lâu năm trong nghiên cứu khoa học, cùng tinh thần làm việc trách nhiệm, cẩn thận, PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh cùng nhóm biên soạn đã thật sự thành công khi biên soạn cuốn sách này.