Hệ thống thư viện Sách điện tử

THPT Hoàng Cầu

  • 91
  • Giới thiệu sách

    Hạng mục Điều tra, sưu tầm tư liệu văn hiến Thăng Long, một nội dung trọng tâm của Dự án Điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, đạt thành quả là hàng trăm ngàn trang tư liệu quý thuộc các thể loại địa chí, hương ước, văn khắc, thần tích, địa bạ… đã góp phần làm phong phú thêm kho dữ liệu về văn hiến Thăng Long. Từ nguồn tư liệu này, ở giai đoạn I của Dự án Tủ sách, nhiều đầu sách tư liệu có giá trị được biên soạn và xuất bản như Tuyển tập Địa chí (3 tập), Tuyển tập Hương ước tục lệ, Tuyển tập Văn khắc Hán Nôm, Tuyển tập Thần tích… Riêng bộ sách Địa bạ cổ Hà Nội - Huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận (2 tập) xuất bản ở giai đoạn I mới chỉ bao gồm địa bạ khu vực trung tâm thành phố, chủ yếu ở các quận Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng trong phạm vi 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận thời phong kiến. Ở giai đoạn II này, với việc thành phố Hà Nội mở rộng, công tác biên dịch và xuất bản bộ sách tư liệu địa bạ được triển khai trên quy mô rộng hơn. Mặc dù vẫn chưa thực sự triệt để nhưng chủ biên công trình - PGS.TS. Vũ Văn Quân cùng hàng chục nhà khoa học có uy tín, có chuyên môn cao đã tổ chức biên soạn, dịch thuật và cho ra mắt bộ sách Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội. Tư liệu địa bạ được thành lập từ đầu thời Nguyễn, cách đây trên dưới 200 năm. Kể từ đó đến nay, diên cách của các đơn vị hành chính đã qua rất nhiều lần biến đổi. Với khối tư liệu khổng lồ, phức tạp, việc quy đổi địa giới từ thời đó theo địa giới hành chính hiện nay là điều không khả thi. Vì thế, bộ địa bạ được dịch và biên soạn theo các đơn vị hành chính cũ thời Nguyễn Gia Long và Minh Mạng (là thời điểm lập địa bạ). Bộ sách được xuất bản lần này gồm 10 đầu sách, mỗi đầu sách tương đương với một huyện ở thời điểm lập địa bạ (1805), đó là: 1. Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội: Địa bạ huyện Chương Đức 2. Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội: Địa bạ huyện Đan Phượng, 2 tập 3. Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội: Địa bạ huyện Gia Lâm, 2 tập 4. Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội: Địa bạ huyện Hoài An 5. Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội: Địa bạ huyện Phú Xuyên, 2 tập 6. Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội: Địa bạ huyện Phúc Thọ 7. Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội: Địa bạ huyện Sơn Minh, 2 tập 8. Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội: Địa bạ huyện Thanh Oai, 2 tập 9. Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội: Địa bạ huyện Thanh Trì, 2 tập 10. Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội: Địa bạ huyện Thượng Phúc, 2 tập Nguồn tài liệu địa bạ được sử dụng để biên dịch ở đây chủ yếu khai thác tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (duy nhất trường hợp huyện Phúc Lộc (Phúc Thọ) không có địa bạ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I nhưng lại có địa bạ (không đầy đủ) ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Kho địa bạ ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I phần lớn là các bản chính và gần như đầy đủ, còn tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm đa phần đều là các bản sao. Việc biên dịch từ chữ Hán Nôm sang chữ Quốc ngữ và công bố toàn văn gần như trung thành tuyệt đối với nguyên bản sẽ làm thỏa mãn nhiều đối tượng bạn đọc. Về kết cấu, mỗi đầu sách ngoài Lời Nhà xuất bản, Lời nói đầu, Phàm lệ, Từ vựng Hán - Việt trong địa bạ, nội dung sách gồm 2 phần chính: 1. Bài nghiên cứu tổng quan về nguồn tư liệu địa bạ và tư liệu địa bạ của từng huyện. 2. Bản dịch tư liệu địa bạ của từng huyện. Phần này chiếm dung lượng phần lớn của mỗi đầu sách, cung cấp tư liệu địa bạ phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu. Cuối mỗi tập sách đều có phần Sách dẫn để tra cứu. Ở đây cũng cần nói thêm, do việc lập địa bạ tại các địa phương là rất thủ công ở trình độ xã hội cách đây trên dưới 2 thế kỷ nên ngay từ địa bạ gốc không tránh khỏi những nhầm lẫn, những người biên dịch giữ quan điểm hoàn toàn trung thành với tư liệu gốc. Đây là chưa kể tình trạng không còn nguyên vẹn ở một số tư liệu gốc do điều kiện bảo quản kém, cũng gây nhiều khó khăn cho việc biên dịch. Với 10 đầu sách gồm 17 tập, dung lượng trên 15.000 trang in được xuất bản lần này mà nội dung gần như toàn văn địa bạ của từng huyện, chúng tôi tin tưởng bộ sách sẽ là tài liệu tham khảo quý giá cho các nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khoa học từ sử học, kinh tế học đến văn hóa học, ngôn ngữ học, địa danh học, văn tự học… Chúng tôi hy vọng bộ sách cũng hữu ích cho giới chức lãnh đạo trong việc hoạch định các chính sách về quản lý và sử dụng đất đai, một trong những lĩnh vực hết sức nóng bỏng, được cả xã hội quan tâm trong tình hình hiện nay. Với những khó khăn, phức tạp của công việc như đã nói trên, chắc chắn bộ sách không tránh khỏi sai sót. Nhà xuất bản Hà Nội mong nhận được ý kiến đóng góp từ bạn đọc để tiếp tục hoàn thiện bộ sách trong những lần xuất bản sau.

    Mở rộng

    Đang tải...
Sách tương tự

Trường THPT Hoàng Cầu

Địa chỉ: Số 27 Ngõ 44 Phố Nguyễn Phúc Lai - Ô Chợ Dừa - Đống Đa - Hà Nội Website: thpthoangcau.thuvien.edu.vn  QR Code Email: c3hoangcau@hanoiedu.vn - Hotline: 02438511976
Đang nghe bạn nói...