“Anh vẫn giọng chậm rãi:
- Viết cho trẻ phải từ cái nhân ái!...
Khi nhà văn nói điều này, tôi hiểu ở anh, nhân ái không chút vướng mắc tội nghiệp hoặc ru ngủ trẻ. Đối với anh, nhân ái cũng là để đánh thức, vực dậy một tâm hồn làm cho trẻ nhận ra, gọi trẻ thức dậy để biết tự tin, tự trọng mình. Nửa thế kỷ cầm bút, dù viết về nhiều nhân vật, nhiều thể loại, với nhiều bút danh, Võ Hồng vẫn thắp sáng một góc nhân văn không tắt…” - TRÚC CHI
(Một thoáng “trầm tư” với nhà văn Võ Hồng - Báo Văn Nghệ số 51, 21/12/2001)
Nhà văn Võ Hồng (1921-2013) - Quê quán: An Thạch, Tuy An, Phú Yên. Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm Trưởng ty Bình dân học vụ tỉnh Phú Yên. Từ 1956-1975, ông dạy trường Trung học bán công Lê Quý Đôn, sau đó làm hiệu trưởng trường PTCS Tân Lập, Nha Trang đến 1978, nghỉ hưu. Truyện ngắn đầu tay “Mùa gặt” được đăng trên Tiểu thuyết Thứ Bảy (Hà Nội, 1939) với bút hiệu Ngân Sơn khi ông còn là học sinh đệ tam. Nhưng mãi đến năm 1959 Võ Hồng mới thật sự gia nhập làng văn qua tập truyện ngắn Hoài cố nhân. Sau năm 1975 ông thường viết về đề tài giáo dục và tuổi thơ. Nhà văn Võ Hồng đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo tặng thưởng huy chương “Vì sự nghiệp Giáo dục” năm 1995 và được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.