Theo các tác giả thì trên thực tế cũng như từ nguồn tư liệu thì văn hóa gia tộc truyền thống Việt Nam nói chung và khu vực Thăng Long - Hà Nội nói riêng được lưu giữ trong khá nhiều loại văn bản Hán Nôm, như gia phả, gia huấn, tộc ước, gia quy, thơ văn, khế ước, chúc thư, điền bạ, văn cúng tế... Nghiên cứu văn hóa gia tộc truyền thống Việt Nam không thể không tìm hiểu, khai thác các nguồn tư liệu quan trọng này. Những văn bản Hán Nôm này cho ta những hiểu biết toàn diện về đời sống gia tộc truyền thống, từ đời sống kinh tế, ý thức gia tộc, quan hệ gia tộc, cho tới phong tục tập quán, tín ngưỡng... của người Thăng Long xưa, Hà Nội nay. Với nhiều biến thiên của lịch sử Kinh đô – Thủ đô, đất nước, có nhiều dòng họ thanh thế bị mai một hoặc tiêu vong, nhưng cùng với đó là sự lớn mạnh của những dòng họ khác và việc lập nên những tộc ước, gia quy của họ tộc là điều mà dòng họ nào cũng đau đáu thực hiện. Trong nhóm các văn bản đó, tộc ước, gia quy là loại văn bản khá đặc thù và tiềm chứa những thông tin rất sâu về đời sống gia tộc của mỗi họ tộc.
Nhận thấy giá trị nhiều mặt của loại hình văn bản tộc ước, gia quy, từ những năm đầu tiên của thế kỷ XXI, nhóm soạn giả của công trình này đã chú ý tới đối tượng tộc ước, gia quy. Nhóm đã tiến hành khảo sát, sưu tầm, tìm kiếm cả trong các kho lưu trữ trung ương và địa phương, lại khảo sát thực địa, tìm kiếm cả thư tịch trên giấy và văn bia lưu giữ tại các gia đình, dòng họ. Việc sưu tầm có những khó khăn bởi lẽ trong kho sách Hán Nôm lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, văn bản tộc ước gia quy rất ít tồn tại độc lập, thường phụ chép trong gia phả hoặc các văn bản khác. Tại các gia tộc, văn bản tộc ước, gia quy được xem là gia bảo, là văn bản lưu giữ những chuyện nội bộ gia tộc “ngoại nhân bất đắc khai khán” (người ngoài tộc họ không được mở xem). Vì vậy phải qua thời gian khá dài và mất nhiều công sức, các tác giả mới tập hợp được gần 100 văn bản tộc ước gia quy trên cả nước, trong đó có trên một nửa là các văn bản tộc ước, gia quy của các gia tộc trên địa bàn Thăng Long - Hà Nội.
Với nguồn tư liệu được lưu trữ lâu năm, nội dung phong phú, đa dạng vậy nên khi thực hiện công trình này nhóm biên soạn gồm nhiều thành viên tham gia và mỗi người được phân công công việc cụ thể. Việc sưu tầm, khảo cứu và dịch thuật văn bản trên giấy do Nguyễn Thọ Đức, Đỗ Bích Tuyển, Mai Thị Thơm, Bùi Bá Quân và Phạm Ánh Sao tiến hành. Phần sưu tầm và dịch thuật các văn bản tộc ước, gia quy khắc trên văn bia tộc ước do Mai Thu Quỳnh thực hiện. Chủ biên và Bùi Bá Quân tiến hành các công việc định hướng chung, rà soát, đọc sửa, hoàn thiện văn bản.
Cùng với sự nỗ lực không mệt mỏi của các nhà văn học trung đại, Hán Nôm để có thể dịch thuật đảm bảo nhất thì trong quá trình thực hiện tổ chức bản thảo cuốn sách này, nhóm biên soạn đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ phương diện chuyên môn cũng như về các điều kiện thực hiện đề tài của nhiều nhà khoa học như TS. Nguyễn Hữu Mùi, PGS. TS. Nguyễn Tá Nhí, PGS. TS. Vũ Văn Quân. Cùng với đó là những góp ý sát sao, những gợi mở thú vị từ các thành viên trong hội đồng khoa học thẩm định, nghiệm thu đề cương và bản thảo, giúp cho bản thảo sách được hoàn thiện hơn khi ra sách và tới tay bạn đọc.
Các tác giả của cuốn sách cũng bày tỏ do giới hạn của thời gian và những khó khăn riêng của công việc sưu tầm, những bản tộc ước, gia quy được sưu tầm và giới thiệu trong công trình này mới chỉ là một phần trong thực tế. Có thể còn nhiều văn bản đang được bí tàng trong các gia đình, dòng họ của khu vực Thăng Long - Hà Nội mà các tác giả chưa tiếp cận được. Ở lần xuất bản này, cuốn sách cũng chủ yếu dừng ở mức độ công bố, giới thiệu văn bản, bước đầu có nghiên cứu tổng quan. Do vậy, còn rất nhiều việc mà nhóm biên soạn cùng các chuyên gia, các nhà khoa học cần làm tiếp để có thể giới thiệu đầy đủ hơn, nghiên cứu sâu rộng hơn các văn bản tộc ước, gia quy trên địa bàn Thăng Long - Hà Nội nói riêng cũng như toàn bộ di sản văn bản tộc ước, gia quy của Việt Nam nói chung.