Hệ thống thư viện Sách điện tử

THPT Hoàng Cầu

  • 9(V)
  • Giới thiệu sách

    Công trình là tập hợp các kết quả nghiên cứu suốt 110 năm từ 1898 đến tháng 8/2008, khi Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính. Năm 1898 là thời điểm thành Hà Nội của vương triều Nguyễn bị phá bỏ, những di vật thời Lý - Trần - Lê ở khu vực trung tâm Hà Nội bắt đầu được thu thập nghiên cứu. Đây chính là tổng kết lịch sử của khảo cổ học Hà Nội sau phát hiện đầu tiên từ năm 1896, khi mà người Pháp tiến hành nghiên cứu ngôi mộ gạch Hán ở Cổ Nhuế (Từ Liêm). Điều đó có nghĩa là lịch sử khảo cổ học Hà Nội được bắt đầu gần như song hành cùng lịch sử khảo cổ học Việt Nam, một lịch sử khá dài với nhiều thời kỳ khác nhau, nhiều thăng trầm khác nhau. Về kết cấu, ngoài Lời giới thiệu, sách gồm các nội dung: Chương 1: Vị trí địa lý và lịch sử khảo cổ học Thủ đô Hà Nội trước tháng 8/2008 Chương này giới thiệu vị trí địa lý, lịch sử hình thành và các đặc điểm tự nhiên của Hà Nội. Bên cạnh đó là lịch sử của khảo cổ học Hà Nội với 2 thời kỳ trước năm 1954 và từ 1954 đến tháng 8/2008. Chương 2: Khảo cổ học Hà Nội thời đại Đồng thau - Sắt sớm. Chương này giới thiệu các địa điểm khảo cổ thuộc các văn hóa tiền Đông Sơn và Đông Sơn ở Hà Nội. Văn hóa tiền Đông Sơn gồm các văn hóa sau: - Văn hóa Phùng Nguyên (sơ kỳ thời đại đồng thau) có niên đại khoảng 4.000 - 3.500 năm cách ngày nay, với các địa điểm khảo cổ Đồng Vông, Đình Tràng, Văn Điển, Gò Cây Táo… - Văn hóa Đồng Đậu (trung kỳ thời đại đồng thau), có niên đại khoảng 3.500 - 3.000 năm cách ngày nay, với các địa điểm khảo cổ Đình Tràng, Tiên Hội, Xuân Kiều. - Văn hóa Gò Mun (hậu kỳ thời đại đồng thau), có niên đại khoảng 3.000 - 2.600 năm cách ngày nay, với các địa điểm khảo cổ Đình Tràng và Gò Chùa Thông. - Văn hóa Đông Sơn (sơ kỳ thời đại đồ sắt), có niên đại cách ngày nay khoảng 2.000 năm, gồm các địa điểm khảo cổ Đình Tràng, Bãi Mèn, Đường Mây, Trung Màu, Gò Chùa Thông… Tiếp theo là nghiên cứu tổng quan về khảo cổ học thời đại Đồng thau - Sắt sớm. Chương 3: Khảo cổ học lịch sử Hà Nội. Chương này giới thiệu Khảo cổ học Hà Nội thế kỷ 1 - 19. Nội dung được chia thành 2 giai đoạn: khảo cổ học lịch sử thế kỷ 1 - 10 và thế kỷ 11 - 19, giới thiệu các địa điểm khảo cổ, các di tích kiến trúc và cư trú. Tiếp theo là phần nghiên cứu Tổng quan về khảo cổ học lịch sử Hà Nội. Chương 4: Giá trị lịch sử - văn hóa của các di tích khảo cổ học Hà Nội. Chương này phân tích các giá trị lịch sử - văn hóa của các di tích khảo cổ Hà Nội trong thời kỳ dựng nước và giữ nước từ thuở sơ khai đến thế kỷ 19. Chương 5: Bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích khảo cổ học Hà Nội. Chương này đánh giá về thực trạng công tác bảo tồn các di sản khảo cổ học Hà Nội, đồng thời đề xuất, kiến nghị một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản khảo cổ học. Tiếp theo, sách giới thiệu Bảng thống kê các di tích khảo cổ học Hà Nội phát hiện từ 1898 đến tháng 8/2008 gồm 122 di tích. Cuối cùng là Phụ lục gồm 115 trang ảnh màu giới thiệu các di tích và hiện vật khảo cổ học. Việc tổ chức nghiên cứu, biên soạn cuốn sách gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Trước hết, khối tư liệu đồ sộ về khảo cổ học Hà Nội trước năm 1954 hoàn toàn không có hồ sơ khoa học nào để lại. Khối tư liệu từ năm 1954 đến 1998 lưu trữ cũng không thật đầy đủ theo đúng quy định của khảo cổ học. Đầy đủ nhất là tư liệu về khảo cổ học trong 10 năm qua. Dẫu vậy, Tổng tập khảo cổ học Thăng Long - Hà Nội (1898 - 2008) cũng giúp chúng ta thấy được phần nào kho di sản vô giá của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, trong đó tiêu biểu là khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long mà từ ngày 01/8/2010 đã trở thành Di sản văn hóa thế giới. Những hiện vật khảo cổ học thu được thực sự là những nhân chứng biết nói một cách trung thực nhất, khách quan nhất. Nó giúp soi tỏ những mảng tối, những góc khuất của lịch sử Thủ đô với hàng nghìn năm tuổi mà lâu nay ta mới chỉ phỏng đoán hoặc đưa ra các giả thuyết do điều kiện hạn chế của tư liệu thành văn. Công trình này được hoàn thành sau nhiều năm làm việc miệt mài, nghiêm túc của tập thể các nhà khoa học thuộc Viện Khảo cổ học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, do PGS.TS. Tống Trung Tín chủ biên. Do những điều kiện khách quan, cuốn sách được xuất bản lần này mới chỉ giới hạn trong phạm vi không gian của thành phố Hà Nội trước thời điểm mở rộng địa giới hành chính tháng 8/2008. Nhưng cuốn sách không vì thế mà giảm giá trị, nó góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những di sản quý báu của cha ông để lại. Nhà xuất bản Hà Nội trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.

    Mở rộng

    Đang tải...
Sách tương tự

Trường THPT Hoàng Cầu

Địa chỉ: Số 27 Ngõ 44 Phố Nguyễn Phúc Lai - Ô Chợ Dừa - Đống Đa - Hà Nội Website: thpthoangcau.thuvien.edu.vn  QR Code Email: c3hoangcau@hanoiedu.vn - Hotline: 02438511976
Đang nghe bạn nói...