Xã hội phương Tây trong khoảng 2 thập niên trở lại đây có cách nhìn khác về Phật giáo. Khi những bất ổn của loài người ngày càng lớn mạnh cùng với sự bất lực gia tăng của trí khôn, con người tìm đến tâm linh như một cứu cánh, để hiểu gốc rễ nguồn cội của mọi sự việc, hiện tượng, bao gồm cả tiểu vũ trụ bản thể. Con người nhận ra, mong muốn lớn nhất của họ là hạnh phúc nhưng phần lớn mọi nỗ lực trong cuộc đời lại đi ra xa khỏi cái đích hạnh phúc ấy.
Đó cũng là lý do mà 2 cuốn sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh – Hạnh phúc thực và mộng và An lạc từng bước chân – trở thành 2 cuốn cẩm nang sống thuộc hàng best seller của thế giới. Trước câu hỏi muôn thủa: “Làm thế nào để hạnh phúc?”, thiền sư trả lời: “Hiểu và thương”.
Hiểu và thương, 2 khái niệm giản đơn nhưng nói ra cả chục cuốn sách cũng chưa chắc đã hết. Và để hiểu được thế nào là “hiểu và thương”, đôi khi cần cả cuộc đời để thực hành, chiêm nghiệm và chứng thực.
Cuốn sách Tình thương của tác giả Hà Huy Thanh (NXB Thanh niên phát hành) là một sự chiêm nghiệm đầy bất ngờ và thú vị về chủ đề này. Dưới góc nhìn sắc sảo, Hà Huy Thanh đã diễn giải một cách giản dị, rộng mở và đầy minh triết những khái niệm vốn rất khó để giản dị hóa. Nhưng có lẽ, vốn sống dày đặn và quá trình thực hành hiểu và thương lâu dài của chính mình đã giúp anh có cái khả năng trò chuyện, thủ thỉ với bạn đọc về một đề tài khó - khó ở chỗ ai cũng có thể phân tích, giảng giải, khuyên bảo nhưng rất hiếm ai tỉ mẩn hướng dẫn từng hành động như viết ra một công thức nấu ăn với đầy đủ các nguyên liệu cần liệt kê và liều lượng chi tiết từng ½ muỗng cà phê mỗi loại gia vị để chế biến một cuộc đời hạnh phúc. Hà Huy Thanh làm được điều ấy.
Toàn bộ cuốn sách hơn 100 trang giấy không có một chữ về Tôn giáo. Đó là một điểm khác biệt trong một chủ đề mà ai cũng đinh ninh là nói tới đạo Phật. Hà Huy Thanh đã bỏ ra ngoài vấn đề tôn giáo, hay chính xác hơn, anh tư duy vượt lên trên vấn đề tôn giáo trong một vấn đề muôn thủa của loài người: đi tìm hạnh phúc. Đây là điều mà chỉ những người có sự kết nối sâu sắc với tâm linh mới có thể nhận thức được. Xét cho cùng, không có tôn giáo nào trên thế giới là ưu việt nhất, cũng không có giá trị hạnh phúc khác biệt giữa các chủng tộc, quốc gia. Dù ở đâu trên hành tinh này, cái con người mong cầu vẫn là hạnh phúc, cái con người đề cao vẫn là tình yêu thương. Bởi thế, vốn dĩ hai chữ “tình thương” – cái mà tác giả chọn làm tên sách – đã không bị định kiến trong một tôn giáo hay chủng tộc nào.
Ngay trong phần lời tựa, Hà Huy Thanh nói rõ, bản thân anh không tham vọng đưa nguyên lý tình thương mà anh chiêm nghiệm thành một học thuyết. Mong muốn của anh khi viết cuốn sách này là đưa một “hành thuyết” để những người có duyên hạnh ngộ với anh qua trang sách “có thể thực hành trong từng ngày từng giờ và trong từng hơi thở”.