Lần đầu tiên tôi đọc Tản mạn trước đèn là trên báo Văn nghệ cách đây vài năm. Chỉ đọc bập bõm, bởi mỗi kì chỉ đăng được một đoạn. Thế rồi tình cờ gặp lại tập tùy bút này ở một hiệu sách và mua.
Đọc Tản mạn trước đèn của Đỗ Chu, cứ có cảm giác ta đang ngồi cùng một ông già quắt queo nhăn nheo, vừa nhấp chén trà vừa nghe ông khề khà chuyện thế sự thăng trầm, chuyện đổi thay đất nước. Toàn chuyện ta biết cả, vẫn quanh ta chứ nào có phải tận xứ xở xa xôi nào. Thế mà nghe vẫn thấm lắm. Tập tùy bút viết từ nhiều năm trước, giờ đọc lại vẫn thấy đúng, thấy hay, vì nó là những vấn đề muôn thủơ, không phải một chốc một lát mà qua hết được.
Đã là tản mạn trước đèn, nghĩa là hầu như nó chẳng tập trung đinh ninh vào một cái gì cả. Nó như một anh đang múa võ, tưởng như loạn xà ngầu không theo chương pháp chiêu thức gì cả, nhưng ra đòn là đẹp, là chí tử. Ngòi bút của Đỗ Chu cứ thế vắt vẻo hết chuyện nọ đến chuyện kia. Để rồi cuối cùng người đọc cũng “À ra thế !”, cũng thấy rằng đây là một ông già có tâm lắm. Tập tùy bút viết rất dụng công mà cũng rất giản dị, bắt đầu ngay từ bài đầu tiên “Kìa đàn hồng hạc”, qua những “Cát nóng”, “Trời Điện Biên mây trắng”, “Sân trước một nhành mai”… rồi đến “Phảng phất hơi may”, “Hoa trước thềm văn”, và cuối cùng là “Tản mạn trước đèn” - đã được đăng dài kỳ trên báo Văn Nghệ.
Và chuyện văn, chuyện đời, chuyện người cứ thế dênh dênh...