Những cuộc khảo sát gần đây chứng minh rằng giáo viên là một nghề gặp nhiều căng thẳng hơn các ngành nghề lao động khác. Và những năm đại dịch đã gia tăng thêm nhiều áp lực khiến người giáo viên bị kiệt sức. Năm 2022, chúng ta đã chứng kiến hơn 16.000 giáo viên đã xin nghỉ việc, bên cạnh những lý do khác thì một trong những nguyên nhân chính là do những áp lực tâm lý.
Từ lâu, nghề giáo đã được chứng minh là một trong những nghề mệt mỏi về mặt cảm xúc. Thầy cô phải mang việc về nhà, cơ sở vật chất thiếu hụt, ban giám hiệu, phụ huynh soi xét và thiếu ủng hộ, tỉ lệ học sinh trong lớp học quá tải, tất cả đều ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của thầy cô giáo. Vì vậy, giúp giáo viên ý thức được tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần, giúp họ nhận diện sớm các dấu hiệu tổn thương, trang bị cho họ những kiến thức vệ sinh sức khỏe tinh thần và tìm kiếm hỗ trợ về sức khỏe tinh thần đúng cách sẽ là những viên gạch đầu tiên để xây dựng nên những lớp học hạnh phúc, giúp học sinh hạnh phúc khi tới trường.
Lấy cảm hứng từ dự án trường học hạnh phúc của UNESCO, mô hình trường học hạnh phúc tại Việt Nam được triển khai từ năm 2019 với 22 tiêu chí tập trung vào 3 khía cạnh cốt lõi Con người (People) - Hệ thống (Process) và Môi trường (Place). Trong đó, khía cạnh Con người đã đề cập rất nhiều đến vai trò của giáo viên trong việc phát triển mô hình này, cụ thể: thái độ tích cực của giáo viên, sự tích cực và hợp tác giữa các thành viên trong nhà trường, điều kiện làm việc của giáo viên, kỹ năng và năng lực của giáo viên.