Nguồn tài liệu viết về văn hóa, con người Thăng Long, Hà Nội là không ít, tuy nhiên, rất tình cờ là riêng một nửa của con người Hà Nội là các mẹ, các chị, những người con gái của đất kinh kỳ với bề dày trên ngàn năm với tất cả những khía cạnh của tài năng, tâm hồn, tính cách và những đóng góp của họ cho mọi mặt của văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị đất Thăng Long – Hà Nội nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung trong suốt chiều dài lịch sử của vùng đất này lại chưa hề được một công trình nào đề cập một cách độc lập và riêng biệt, điều này khiến phụ nữ Thăng Long Hà Nội vẫn lẫn vào trong muôn vẻ của phụ nữ Việt Nam. Điều đó thật chưa công bằng!
Với tinh thần yêu mến và mong muốn giữ lại những gì tốt đẹp của mảnh đất này, trả nghĩa, tri ân Hà Nội đã đào tạo, dung dưỡng cho cá nhân tôi suốt hơn 30 năm qua; mong muốn góp phần sức lực nhỏ bé của mình trong khẳng định giá trị, vai trò của một nửa thế giới; được sự ủng hộ và tài trợ của “Dự án nghìn năm Thăng Long Hà Nội giai đoạn II”, nhà xuất bản Hà Nội, và sự động viên, khích lệ của các tiền bối... tôi bắt tay biên soạn “Phụ nữ Thăng Long – Hà Nội từ truyền thống đến hiện đại”. Công trình cố gắng kế thừa những nghiên cứu, khảo cứu đi trước, với cố gắng cao nhất có thể để tập hợp các tư liệu tản mạn mà tái dựng lại hình ảnh toàn diện về người phụ nữ của đất Kinh kỳ ngàn năm văn hiến.
Là công trình mang tính tổng kết, tổng hợp phân tích tư liệu là chính nên cách tiếp cận chủ yếu là lịch sử, biên niên sự kiện vàvăn hóa học. Các quan điểm về văn hóa vùng và vùng văn hóa sẽ là những thao tác lý luận chính được sử dụng trong công trình này.Việc nghiên cứu và biên soạn sách chuyên khảo về đối tượng là phụ nữ Thăng Long - Hà Nội đòi hỏi phải tìm hiểu, khảo sát, lựa chọn từ nhiều nguồn tài liệu và cố gắng đảm bảo các nguyên tắc: bao phủ được các lĩnh vực đóng góp của phụ nữ Thăng Long – Hà Nội trên các lĩnh vực: quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học, văn hóa, gia đình để có thể làm rõ vị thế xã hội, vai trò và những đóng góp của người phụ nữ sinh sống trên mảnh đất này qua các giai đoạn lịch sử khác nhau.
Đề tài viết về một đối tượng cụ thể là phụ nữ nhưng lại trải dài theo suốt chiều dài lịch sử từ khi dựng đô đến nay nên các phương pháp biên soạn chủ yếu là: phương pháp nghiên cứu lịch sử; phân tích tổng hợp tư liệu; sưu tầm hồi cố; khảo cứu biên niên sử và nghiên cứu văn hóa dân gian. Với tính chất là tài liệu biên soạn tổng hợp dựa trên những tài liệu đã có để phục vụ cho một chủ đề là làm nổi rõ hình tượng/ hình ảnh/ những đóng góp của người phụ nữ Thăng Long – Hà Nội. Tuy nhiên, trong một truyền thống văn hóa của Thủ đô cũng như trong cả nước xưa không coi trọng phụ nữ thì những thông tin chính thức ghi chép về họ trở nên cực kỳ hiếm hoi, vì thế việc dựng lại hình ảnh người phụ nữ quý tộc hay bình dân Thăng Long trong thời phong kiến trở nên rất khó khăn. Thông tin về họ có chăng chỉ mấy dòng chấm phá nhưng cũng chỉ là với một số ít phụ nữ xuất sắc như Nguyên Phi Ỷ Lan, Nguyễn Thị Lộ, Huyền Trân, Đặng Thị Huệ, Trương Thị Ngọc Trong, hay Ngọc Hân…vì thế các thông tin cho cuốn sách này sẽ được huy động khai thác trên nhiều nguồn tài liệu/ sử liệu: chính sử, dã sử, văn hóa dân gian (thơ ca dân gian, ca dao hò vè, truyện kể, truyền thuyết, thần tích), báo chí, văn bia, bi ký... Các công trình nghiên cứu khoa học về giới nói chung, phụ nữ Thăng Long – Hà Nội nói riêng cũng sẽ được sử dụng như những chất liệu tham khảo để làm rõ thêm vai trò giới của phụ nữ trên mảnh đất này.Các sự kiện, con người sẽ được trình bày theo trình tự thời gian vừa phản ánh tiến trình chung của lịch sử xã hội Thủ đô Hà Nội, vừa cố gắng thể hiện đặc điểm riêng và đóng góp của phụ nữ Thăng Long - Hà Nội trên các lĩnh vực khác nhau qua các thời kỳ.
Viết về phụ nữ Thăng Long – Hà Nội là một chủ đề hay nhưng khó, khó do sự khan hiếm về tư liệu, nhất là trong điều kiện xã hội phong kiến xưa, người phụ nữ chưa hề được công khai thừa nhận như một lực lượng có những đóng góp cho phát triển xã hội. Mặt khác lại phải làm rõ vai trò của họ trên các lĩnh vực khác nhau từ văn hóa, xã hội đến làm ăn và đánh giặc… Với tham vọng cung cấp cho bạn đọc hình dung tương đối toàn vẹn về vị thế, vai trò của phụ nữ Thăng Long – Hà Nội trong việc hình thành và tạo dựng lên truyền thống văn hóa, xã hội Thăng Long - Hà Nội; để có thể đáp ứng nhiều trình độ, nhu cầu khác nhau cuốn sách được biên soạn với nhiều thủ pháp vừa như một tài liệu biên soạn, vừa có tính chất khảo cứu và cũng hàm chứa những phân tích nghiên cứu khoa học.
Toàn bộ cuốn sách gồm 406 trang, Ngoài phần mở đầu lược thảo về vùng đất Thăng Long - Hà Nội. Các nội dung viết về PHụ nữ Thăng Long - Hà Nội chia làm ba chương:
- Chương 1: phụ nữ Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ. Phần này tác giả đã cố gắng tái hiện lại hình ảnh người Phụ nữ từ trí thức đến trung lưu, bình dân của đất Thăng Long - Hà Nội qua các giai đoạn lịch sử khác nhau
- Chương 2: vai trò của Phụ nữ Thăng Long - Hà Nội trên các lĩnh vực. Chiếm dung lượng nhiều nhất của cuốn sách, phần này các hoạt động, đóng góp của phụ nữ TL- HN được thể hiện trên tất cả các mặt : đấu tranh chống ngoại xâm, hoạt động chính trị, xã hội; xây dựng và sáng tạo văn hóa; hoạt động kinh tế tiểu thủ công nghiệp - thương nghiệp; và trong gia đình, gia tộc.
- Chương 3: phát huy vai trò của phụ nữ TL- HN trong giai đoạn mới. nội dung chương này đề cập và phân tích những thuận lợi, thách thức đối với các chị em phụ nữ hiện nay, đồng thời đề xuất một số đinh hướng kiến thức, kĩ năng mà chị em phụ nữ cần được trang bị để có thể vẫn giữ được những bản sắc tốt đẹp của giới trong quá khứ mà vẫn vươn lên làm chủ cuộc sống, tạo dựng cho mình một sự nghiệp riêng./.