Nhà văn M. Go-rơ-ki từng nói: “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”. Vâng! Sách là nguồn tri thức vô tận của đời sống con người, là chìa khóa của sự thành công! Chính vì thế mà ngày sách đã ra đời và trở thành hoạt động văn hóa không thể thiếu của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Và các nhà hoạt động chính trị, các học giả lỗi lạc của Việt Nam là những người không ngừng quan tâm đến việc đọc sách và tự học. Nhằm giúp bạn đọc tìm hiểu về những tấm gương ham đọc sách và tự học, Vụ trưởng Vụ thư viện Bộ văn hóa thể thao và du lịch, tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà đã nghiên cứu và cho ra đời cuốn sách “Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh”.
(Tác phẩm “Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh”)
Tác giả Vũ Dương Thúy Ngà trong buổi tọa đàm về cuốn sách “Những tấm gương ham đọc sách & Tự học thời đại Hồ Chí Minh”
Tác phẩm do nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành vào tháng 5 năm 2016, dày 200 trang, cuốn sách được trang trí rất đơn giản, phần trang bìa là chân dung của vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh, cuốn sách mang sức cuốn hút lớn về nội dung thông qua câu chuyện kể về những nhân vật lỗi lạc trong lịch sử như chủ tịch Hồ Chí Minh, đại tướng Võ Nguyên Giáp, giáo sư Tạ Quang Bửu , giáo sư Trần Đại Nghĩa, giáo sư Trần Duy Anh, bác sĩ Tôn Thất Tùng, giáo sư, nhà toán học Hoàng Tụy. Dù mỗi người thành công ở mỗi lĩnh vực khác nhau nhưng công thức thành công của những con người kiệt xuất này đều đến chung từ một con đường đó là đọc sách và tự học. Đây cũng là ý nghĩa mà cuốn sách đã mang đến cho người đọc chúng ta, niềm tin và nghị lực để tiếp bước tương lai.
Nội dung cuốn sách gồm hai phần:
Phần I: Hồ Chủ Tịch với việc đọc sách và tự học.
Sinh thời trong một gia đình nho học, Bác đã được người cha truyền dạy lòng trân trọng và đam mê đọc sách, Bác luôn ghi nhớ lời cha dạy bảo :“Học phải có sách, việc đọc sách là đáng quý lắm, ngày nào chưa đọc được mười trang sách là ngày đó nhịn đói, nhịn khát”. Đó chính là lẽ sống đã nuôi lớn tâm hồn Hồ Chí Minh, Sách đã trở thành người bạn thân thuộc của Bác suốt cả cuộc đời. Bác đã từng nói:
“ Dưỡng tử giáo độc thư
Thư trung hữu kim ngọc”
Nghĩa là nuôi con phải biết dạy con đọc sách, vì trong sách có vàng ngọc.
(Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc sách)
Bằng nguồn tư liệu dồi dào và quý hiếm, tác giả đã khẳng định giá trị sâu sắc của việc tự học và tự đọc sách đối với sự nghiệp Cách mạng của Người, cũng như nêu rõ sự chú trọng đặc biệt của Người trong việc khuyến đọc, xây dựng nơi đọc sách cho nhân dân với một khát vọng là đưa dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái.
Phần II: Một số tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh
Trong đó có đại tướng Võ Nguyên Giáp, giáo sư Tạ Quang Bửu, giáo sư Trần Đại Nghĩa, giáo sư Trần Duy Anh, bác sĩ Tôn Thất Tùng và Giáo sư, nhà toán học Hoàng Tụy.
(Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc sách trong vườn).
Viết về vị đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp, đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và cũng từng là một giáo viên dạy môn Lịch sử. Ông được đánh giá là một trong những vị tướng tài giỏi nhất Thế giới. Tất cả đều nhờ vào lòng ham đọc sách và tự học của ông. Dù cuộc sống có khó khăn, bận rộn, mỗi ngày ông vẫn dành ra một thời gian nhất định để đọc sách báo. Ông đã từng nói: “Đọc sách để phát huy trí tưởng tượng, nuôi dưỡng sự sáng tạo, bồi dưỡng tâm hồn”. Và trong giới tri thức Việt Nam hiện đại, Tạ Quang Bửu nổi tiếng là người tài cao, học rộng. Người đời ví ông là Lê Quý Đôn thời nay. Tạ Quang Bửu, nguyên là giáo sư, nhà khoa học Việt Nam, người đặt nền móng đầu tiên cho lĩnh vực Khoa học-Kĩ thuật và công nghệ Quân sự Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, là người có hiểu biết sâu rộng về toán học. Ông đã chỉ ra những tài liệu tự đọc dể dạy tốt hơn, khuyến khích học sinh đọc sách văn học để nâng cao lòng ham thích sáng tạo “Năng lực tự đọc và tự học của ông gần như là một thiên huyền thoại”. Cả thế giới công nhận ông là một người tự đọc và tự học tuyệt vời nhất.
(Chân dung Giáo sư Tạ Quang Bửu)
Việt Nam còn tự hào hơn vì có danh y, bác sĩ Tôn Thất Tùng, người từng nổi tiếng trên thế giới, ông là viện sĩ Viện Hàn Lâm phẩu thuật tại Pa-ri, thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, là giáo sư đào tạo ra nhiều bác sĩ tài năng và chuyên nghiệp. Ông rất chú trọng đến việc đọc sách, yêu cầu các bác sĩ không chỉ đọc tài liệu của ngành y mà còn phải đọc nhiều tài liệu văn hóa lịch sử để có hiểu biết toàn diện. Ông cho biết “bí quyết sự thành công của ông là việc nghiên cứu, học tập trong thực tiễn, đặc biệt là phải đọc nhiều sách vở” và sự thành đạt của ông cũng chính là lòng ham đọc sách và tự học.
(Chân dung bác sĩ Tôn Thất Tùng)
Còn nhiều tấm gương khác nữa trong tác phẩm như giáo sư Trần Duy Anh và Hoàng Tụy...
“Những tấm gương ham đọc sách & tự học thời đại Hồ Chí Minh” như một lời gợi nhắc về giá trị của sách trong đời sống. Mục đích của tác phẩm nhằm cung cấp cho bạn đọc những tấm gương sáng để cùng soi chung. Soi để học, học để hành, mỗi người sẽ học được cách nuôi dưỡng và phát triển năng lực. Tác giả cũng bày tỏ mong muốn sẽ có nhiều người “viết tiếp nhũng bài ca bất tận” nhằm khơi nguồn và hun đúc thêm truyền thống hiếu học, ham đọc sách của con người Vệt Nam gắn với sự phát triển trường tồn của dân tộc và đất nước.
Nhân ngày sách Việt Nam và mừng ngày giải phóng đất nước, tập thể lớp 8/4 chúng em xin trân trọng giới thiệu cuốn sách này đến bạn đọc để chúng ta cùng nhau tìm đọc và học hỏi kinh nghiệm quý báu từ những bậc thiên tài của đất Việt. Những bài học rút ra thật sâu sắc từ “Những tấm gương ham đọc sách & tự học thời đại Hồ Chí Minh” rất đáng để chúng ta tìm đọc, suy ngẫm và áp dụng làm theo.
Trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đoc!