Dù có đi bốn phương trời
Lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu
Một thời đạn bom, một thời hoà bình…
(Trích bài hát “Nhớ Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp)
Đúng như lời bài bát, từ lâu trong lòng người dân Việt Nam, Hà Nội là Thủ đô yêu dấu, mảnh đất có bề dày lịch sử nghìn năm, là nơi hội tụ văn hóa, kết tinh văn minh Việt. Trong nhịp sống hiện đại hôm nay, mảnh đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội vẫn còn rất bí ẩn và quyến rũ bởi những chứng tích lịch sử, những dấu ấn về con người qua truyền thuyết huyền thoại, di tích lịch sử, những khu phố, ngôi nhà cổ, tường thành xưa, đường phố cũ…
Nhằm giúp bạn đọc thêm hiểu rõ về mảnh đất văn hiến Thăng Long - Hà Nội ngàn năm, năm 2021 Nxb. Thế giới Lịch sử Hà Nội đã xuất bản quyển sách “Lịch sử Hà Nội” của tác giả Philippe Papin, do Mạc Thu Hương dịch, Nxb. Thế giới xuất bản với 390 trang.
Sách gồm 5 phần: Từ truyền thuyết đến lịch sử (trước thế kỷ X), thành Thăng Long (thế kỷ IX-XIX), từ nho sĩ đến thương nhân (thế kỷ XV-XVIII), Hà Nội thời Pháp thuộc (1875-1945) và thành phố cờ đỏ sao vàng.
Đọc sách, bạn đọc sẽ biết về ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Hà Nội khởi nguồn khi Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) dời đô từ Hoa Lư vào thành Đại La năm 1010. Trong “Chiếu dời Đô”, Lý Thái Tổ từng nói: “Ở trung tâm cõi bờ đất nước, có cái thế rồng cuộn hổ ngồi, vị trí ở giữa bốn phương Đông Tây Nam Bắc, địa hình thế núi sông sau trước. Ở nơi đó địa thế rộng mà bằng phẳng, vùng đất cao mà sáng sủa, cư dân không khổ vì ngập lụt, muôn vật đều phì nhiêu tươi tốt. Xem khắp nước Việt ta chỗ ấy là nơi hơn cả, thực là chỗ bốn phương tụ hội, là nơi đô thành bậc nhất của Đế vương muôn đời!”.
Từ đó, mảnh đất này được đặt tên là Thăng Long bởi có thế “rồng cuộn hổ ngồi”. Trải qua thời gian cùng những thăng trầm bể dâu của các triều đại, từ Lý, Trần đến Hồ, Lê, Thăng Long đã trở thành kinh đô bậc nhất của đất nước; đồng thời mảnh đất này cũng trở thành chứng nhân lịch sử quan trọng trong các cuộc kháng chiến chống giặc phương Bắc xâm lược.
Về tên gọi, mảnh đất Thăng Long qua nhiều lần đổi tên đã mang những tên khác nhau, như: Long Phượng, Đông Đô, Đông Quan, Đông Kinh. Đến thời nhà Nguyễn, tên Hà Nội mới được đặt cho vùng đất Thăng Long. Năm 1902, Hà Nội trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương và được người Pháp xây dựng, quy hoạch lại. Trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, Hà Nội là thủ đô của miền Bắc rồi nước Việt Nam thống nhất cho đến nay.
Thăng Long - Hà Nội còn là nơi giao thoa của những nền văn hóa lớn với những nét đặc trưng được thể hiện qua ngôn ngữ, trang phục, truyền thống ẩm thực, những thú vui giải trí, những ngành nghề truyền thống...
Sau 30 năm chiến tranh, Hà Nội - thành phố cờ đỏ sao vàng đã dần phai mờ vết sẹo chiến tranh. Ngày nay, trong cuộc sống huyên náo, hiện đại của phố phường Hà Nội vẫn còn đó chứng tích những nền văn hóa khác nhau hiện hữu. Đền thờ thổ công nằm cạnh những ngôi biệt thự thời Pháp, tượng đài Lênin sừng sững trước khu thành cổ, người Hà Nội vẫn thành kính thờ cúng tổ tiên và đi lễ, trên đường phố dòng xe lướt đi dưới những băng rôn mang đậm truyền thống đấu tranh cách mạng.
Với nhiều hình ảnh tư liệu, “Lịch sử Hà Nội” là tài liệu địa chí giúp bạn đọc thêm hiểu hơn về quá trình hình thành và phát triển của mảnh đất thủ đô mang “hồn thiêng sông núi”, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.