Trong cuốn sách này, từ góc nhìn hiện đại, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, các tác giả hướng đến một cách tiếp cận tương đối hệ thống về quá trình hình thành và phát triển kinh tế đối ngoại dựa trên những điều kiện khách quan của Thăng Long - Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt là thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tiếp đó là sự tổng kết thực tiễn các hoạt động kinh tế đối ngoại như: hoạt động ngoại thương, đầu tư nước ngoài, du lịch quốc tế, các dịch vụ ngoại tệ...; phân tích lợi thế so sánh của lĩnh vực kinh tế đối ngoại Thủ đô trong quan hệ với các thị trường chủ yếu như Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Trung Quốc, Mỹ... Đồng thời phác thảo tầm nhìn và nhiệm vụ mới đặt ra nhằm đưa lĩnh vực kinh tế đối ngoại trên địa bàn Thủ đô có những chuyển biến mới về phương thức phát triển và có những bước đi mới, vươn lên tầm cao trong 10 - 15 năm tới...
Với kết cấu gồm 3 phần (11 chương), cuốn sách đã trình bày tương đối đầy đủ lịch sử kinh tế đối ngoại của Thủ đô từ đầu thế kỷ XI đến nay. Trong đó Phần I - Những cơ sở chủ yếu của việc hình thành và phát triển lĩnh vực kinh tế đối ngoại Thăng Long - Hà Nội (Chương 1: Các điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội của sự ghình thành và phát triển giao lưu kinh tế Thăng Long - Hà Nội; Chương 2: Lịch sử hình thành và phát triển lĩnh vực Kinh tế đối ngoại Thăng Long - Hà Nội; Chương 3: Thành tự về kinh tế - xã hội trên địa bàn thủ đô từ khi thực hiện sự nghiệp đồi mới) đã trình bày khái quát những điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội cho sự hình thành và phát triển kinh tế đối ngoại của Thăng Long - Hà Nội.
Phần II - Quá trình phát triển các hoạt động kinh tế đối ngoại trên địa bàn Hà Nội từ khi đổi mới đến nay (Chương 4: Đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn Hà Nội (FDI); Chương 5: Viện trợ chính thức nước ngoài (ODA); Chương 6: Hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn Hà Nội; Chương 7: Du lịch quốc tế trên địa bàn Hà Nội; Chương 8: Một số hoạt động kinh tế đối ngoại khác trên địa bàn Hà Nội) - được coi là phần chính của cuốn sách khi tổng kết quá trình phát triển của kinh tế đối ngoại trên địa bàn Hà Nội từ khi đổi mới đến nay. Trong đó các tác giả đã nêu bật những thành tựu, những bước phát triển của các lĩnh vực kinh tế đối ngoại như: Đầu tư trực tiếp nước ngoài, viện trợ phát triển chính thức, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và hoạt động du lịch quốc tế...
Trên cơ sở phân tích những thành tựu đã đạt được của hoạt động kinh tế đối ngoại từ sau đổi mới đến nay, Phần III - Tầm nhìn mới, bước đi mới của các hoạt động kinh tế đối ngoại trên địa bàn thủ đô Hà Nội đến năm 2030 (Chương 9: Lợi thế so sánh của nền kinh tế trên địa bàn Hà Nội trong quan hệ với một số thị trường chủ yếu; Chương 10: Tầm nhìn mới đối với các hoạt động kinh tế đôia ngoại trên địa bàn Hà Nội; Chương 11: Bước đi mới của các hoạt động kinh tế đối ngoại trên địa bàn Hà Nội) đưa ra những định hướng, tầm nhìn, bước đi mới của hoạt động kinh tế đối ngoại trên địa bàn thủ đô Hà Nội đến năm 2030. Có thể nói, cấu trúc cuốn sách tương đối chặt chẽ, tương thích với mục đích, nội dung đặt ra. Các nội dung trình bày tương đối khúc chiết và khoa học. Các phần, chương, tiểu mục trình bày cô đọng xúc tích. Các số liệu, hệ thống bảng biểu, biểu đồ được trình bày rõ ràng, có trích nguồn cụ thể.
Thuộc cơ cấu của mảng sách Kinh tế - Văn hóa - Xã hội trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, Kinh tế đối ngoại Thăng Long - Hà Nội là công trình có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong việc nghiên cứu và phát triển các hoạt động kinh tế đối ngoại của thủ đô Hà Nội. Chúng tôi hy vọng đây là tài liệu tham khảo hữu ích cho sinh viên đại học, cao đẳng, các ngành, các doanh nghiệp, các nhà quản lý trong việc học tập và nghiên cứu, hoạch định chính sách, góp phần phát triển kinh tế đối ngoại của Việt Nam nói chung cũng như Hà Nội nói riêng.