Cuốn sách Kinh đô Thăng Long những khám phá khảo cổ học do PGS.TS Tống Trung Tín (Nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam) làm chủ biên, cùng với sự tham gia của nhiều người khác được biên soạn rất công phu, nội dung đặc sắc, hình ảnh đẹp, sắc nét, đã giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện về kinh đô Thăng Long xưa, đặc biệt là những tư liệu về các cuộc khai quật khảo cổ học tại đây.
Năm 1010, Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư ra miền đất Thủ đô Hà Nội ngày nay thành lập kinh đô Thăng Long. Kể từ đó trở đi, Thăng Long là nơi đóng đô của các vương triều Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê trung hưng. Thời Nguyễn, Thăng Long với thành Hà Nội là hành cung của các vua Nguyễn, là trọng trấn đứng đầu phía Bắc của Đại Nam. Từ năm 1945 đến nay, Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, sau đó là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong quá trình phát triển lâu dài hàng nghìn năm, các vương triều quân chủ Việt Nam nối tiếp nhau xây dựng cung quán, cầu cống ... tạo nên một kinh đô Việt Nam độc đáo, hoa lệ có lịch sử lâu dài nhất Việt Nam.
Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, dấu tích kinh đô xưa hầu như đã bị hủy hoại, trên mặt đất chỉ còn lại dấu tích của các thời Lê - Nguyễn như Cột cờ, Đoan Môn, Kính Thiên, Bắc Môn ... Vì vậy trong những năm qua, nhiều nhà nghiên cứu luôn dày công nghiên cứu lịch sử cũng như diện mạo của kinh đô Thăng Long.
Cuốn sách này sẽ cho chúng ta cái nhìn về Kinh đô Thăng Long thông qua những khám phá, phát hiện về khảo cổ học trong những năm gần đây, với một số nội dung sau: Khảo cổ học trục di tích Đoan Môn - Hậu Lâu - Bắc Môn, Kính Thiên, địa điểm 18 Hoàng Diệu và Vườn Hồng và một số địa điểm khác như địa điểm 11 Lê Hồng Phong, địa điểm 62-64 Trần Phú, địa điểm Giảng Võ, địa điểm Quần Ngựa, Văn Miếu, đàn tế Nam Giao, Đội Cấn - đê Bưởi. Đặc biệt là cuốn sách đã nêu lên được những giá trị lịch sử - văn hóa nổi bật toàn cầu của kinh đô Thăng Long.