Tiếp cận cuốn sách bạn đọc có những hình dung về bức tranh kiến trúc Thăng Long - Hà Nội, hiểu được quá trình hình thành diện mạo kiến trúc Thăng Long từ những tụ cư bên sông Hồng tới Đại La, định đô Thăng Long và diện mạo ban đầu, Thăng Long thời Lý - Trần - Hồ, Thăng Long thời Lê - Mạc - Tây Sơn, Thăng Long - Hà Nội thời Nguyễn; những xây dựng đầu tiên của Pháp ở Hà Nội, chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất, chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai, cấu trúc không gian đô thị thời Pháp thuộc. Bên cạnh đó là diện mạo kiến trúc Hà Nội từ hoà bình trở lại đến những năm đổi mới, những hình ảnh quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội năm 2011 và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Vùng Thủ đô; kiến trúc Hà Nội thời kỳ mới hội nhập, thời kỳ của kỹ thuật công nghệ mới và biến động của kinh tế - xã hội, kiến trúc Hà Nội nhìn về phía trước.
Có kết cấu gồm 5 chương cuốn sách trình bày bố cục theo 3 phần nội dung:
* Các giai đoạn phát triển kiến trúc của Thăng Long - Hà Nội
ChươngI. Kiến trúc Thăng Long từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX;
Chương II. Kiến trúc Hà Nội cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX;
Chương III. Kiến trúc Hà Nội nửa sau thế kỷ XX;
Chương IV. Kiến trúc Hà Nội bước vào thế kỷ XXI.
* Những yếu tố chủ yếu tạo nên bản sắc kiến trúc Thăng Long - Hà Nội
Chương V. Di sản và bản sắc kiến trúc Thăng Long – Hà Nội)
* Kiến trúc Hà Nội nhìn về phía trước
Chương VI. Kiến trúc Thăng Long – Hà Nội vận hội và xu thế.
Cuốn sách thể hiện rõ 3 giá trị lớn: giá trị lịch sử, giá trị thông tin và giá trị học thuật, đồng thời có phân tích các giá trị nghệ thuật kiến trúc.
Cuốn sách được Kiến trúc sư Lê Văn Lân, tác giả của nhiều công trình kiến trúc quen biết, cũng là nhà nghiên cứu tâm huyết với Hà Nội chủ biên, cùng với các đồng nghiệp: cố PGS.KTS. Trần Hùng, PGS.KTS. Nguyễn Quốc Thông, PGS.KTS. Đặng Thái Hoàng, ThS.KTS. Đỗ Viết Chiến, TS.KTS. Nguyễn Văn Hải, TS.KTS. Tô Thị Toàn chung sức hoàn thành, rất đáng trân trọng. Ở từng giai đoạn, các tác giả đã phân tích ngữ cảnh xã hội, những biến đổi về quy hoạch - kiến trúc, những công trình tiêu biểu cả về nhà ở, nhà công cộng, kiến trúc công nghiệp và nông thôn. Trong quá trình thực hiện đề tài, những người làm sách đã khắc phục những khó khăn trong biên soạn, tuyển chọn ảnh, dày công sưu tập, phân tích, đánh giá khách quan, khoa học khi sắp xếp, trình bày nội dung, hình ảnh một cách hệ thống, logic giúp người đọc dễ theo dõi và dễ hiểu trước khối lượng tư liệu ảnh lớn, thông tin kiến thức tổng hợp về quá trình phát triển kiến trúc Thăng Long - Hà Nội.
Cuốn sách “Kiến trúc Thăng Long – Hà Nội” khái quát được những vấn đề cơ bản, tuy chưa thật đầy đủ nhưng các nội dung này có giá trị tốt phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy và góp phần nâng cao nhận thức cho mọi người về kiến trúc của Thủ đô. Hy vọng cuốn sách sẽ là một tư liệu quý cho những nhà nghiên cứu, nhà quản lý đô thị, những người làm công tác nghệ thuật, kiến trúc sư, sinh viên kiến trúc xây dựng, cùng nhiều độc giả quan tâm khác.