Viết lại cảnh cũ người xưa âu cũng là cách “ôn cố tri tân” để nhớ về một thủa Hà Nội. Chính tác giả cũng biết “ngoảnh lại bạn bè cũ đã thành người thiên cổ cả rồi” nên ông càng cố gắng tranh thủ, chạy đua với thời gian và khi sức khỏe, một người ở tuổi chín mươi bảy cho phép cầm bút là ông lại ngồi vào bàn viết. Và ký ức lại sống dậy, ùa về hiện lên từng trang giấy. Từ thủa ấu thơ được ngủ trong lòng mẹ, rồi lên bảy được chứng kiến ngôi trường đầu tiên của tỉnh Hà Đông được xây trên đất làng mình (1929), và hình ảnh Chợ Mọc, Ao đình, ấn tượng về lần suýt chết đuối năm 13 tuổi sau 85 năm... vẫn vẹn nguyên. Cứ thế, cứ thế... tuổi thơ lùi dần cho chàng thanh niên mười sáu lần đầu bước vào hiệu ảnh lớn nhất Hà Nội lúc bấy giờ để chụp bức chân dung đầu đời nửa trên là áo vét Âu có thắt cravát còn nửa dưới là quần trúc bâu và giày Gia Định... vẫn sáng rõ trong ký ức...
Là người cẩn trọng, kỹ tính, biết ứng xử lại cởi mở, chân thành nên bước vào giới sưu tập cổ vật không lâu, Nguyễn Bá Đạm đã nổi tiếng là người chơi có nghề, biết chọn lọc và được xã hội thừa nhận. Công việc đó khởi đầu cho các quan hệ với những họa sĩ bậc thầy của nền hội họa Việt Nam mà sau này họ trở thành những người bạn thân thiết: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Lưu Công Nhân, Nguyễn Tiến Chung, Trần Văn Cẩn...
Đó là những người nổi tiếng! Còn nhiều người chẳng mấy tiếng tăm tên tuổi nhưng với cá tính đặc biệt, thậm chí còn “khôn lỏi”, muốn “ăn người” mà Nguyễn Bá Đạm có dịp tiếp xúc cũng thành nhân vật trong những bài viết của mình, vẫn sinh động và hấp dẫn qua từng dòng, từng câu... mà người đọc không thấy đáng ghét hay khinh bỉ. Cái tài của Nguyễn Bá Đạm chính là ở chỗ đó. Ông không hoạt ngôn, đao to búa lớn những câu chữ mạnh mẽ, sáng choang, bóng bẩy để cao đàm khoát luận mà chỉ thủ thỉ kể chuyện mình, liên quan đến mình, có mình trong đó, những kỷ niệm của chính mình. Mọi chuyện xoay quanh Hà Nội lõi, xa không quá Mọc Giáp Nhất nơi ông sinh ra và lớn lên với đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ đến giờ ông vẫn nhớ như in, gần là từ Ngọc Hà bước ra nơi ông gắn bó quá nửa đời người buồn vui may rủi đủ cung bậc cảm xúc của một người con Hà Nội.
Tình cảm chân thành mộc mạc, trí tuệ sắc sảo mẫn tiệp đã làm nên một Nguyễn Bá Đạm gần gũi mà tinh tế, giản dị mà sâu sắc qua “Hà Nội ngày ấy”. Với tất cả sự trân trọng một người đã có cả thế kỷ gắn bó với lịch sử thăng trầm của Hà Nội. Người đã được trao Giải thưởng lớn Tình yêu Hà Nội - Vì những cống hiến thầm lặng trong suốt cuộc đời cho Văn hóa lối sống Hà Nội năm 2018