Tháng 5, 6 năm 2006, cán bộ Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã tiến hành khảo sát để chuẩn bị cho đợt thám sát và khai quật khảo cổ học tìm vết tích đàn Xã Tắc ở ngõ Xã Đàn 1, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội nhằm phục vụ công tác mở đường vành đai I (đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa).
Đến tháng 10-12/2006, cuộc thám sát, khai quật đã được tiến hành và đã tìm thấy một số dấu tích kiến trúc, di vật có niên đại vào khoảng thế kỷ XI - XVIII) nằm bên trên các lớp văn hóa có niên đại khoảng 10 thế kỷ sau Công nguyên và lớp văn hóa Phùng Nguyên có niên đại khoảng 3.500 năm cách ngày nay.
Mỗi loại hình di tích ở đây đều có ý nghĩa to lớn đối với việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa của Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là di tích đàn Xã Tắc.
Đến năm 2006, cuộc khai quật đã tìm lại được một chút ít dấu tích móng nền và di vật. Đặc điểm di tích, di vật và nghiên cứu so sánh tổng hợp, địa hình, địa danh đã cho thấy các dấu tích ít ỏi còn lại đó đúng là dấu tích của đàn Xã Tắc.
Hiện nay di tích đã được bảo tồn dưới lòng đất, công cuộc nghiên cứu các di tích và di vật xuất lộ về cơ bản đã kết thúc, con đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa đã hoàn thành được đặt tên là đường Xã Đàn để gợi nhớ về đàn Xã Tắc xưa ở đây.
Cuốn sách Di tích Khảo cổ học Đàn Xã Tắc Thăng Long (Thăng Long - Xã Tắc altar archaeological site) do PGS.TS Tống Trung Tín (Nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam), và là chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về Khảo cổ học Thăng Long - Hà Nội làm chủ biên, cùng với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu khác.
Sách được trình bày công phu, hình ảnh in màu sống động, sắc nét, bìa cứng, nội dung được chia thành 4 chương:
Chương 1: Vị trí địa lý và quá trình nghiên cứu địa điểm Đàn Xã Tắc
Chương 2: Di tích, di vật thời Lý - Trần - Lê và diện mạo Đàn Xã Tắc Thăng Long
Chương 3: Các loại hình di tích khác: di chỉ cư trú khoảng 10 thế kỷ đầu Công nguyên và di chỉ cư trú văn hóa Phùng Nguyên.
Chương 4: Giá trị của địa điểm khảo cổ học Đàn Xã Tắc
Xin trân trọng giới thiệu!