Sách Dân cư Thăng Long - Hà Nội do Đỗ Thị Minh Đức chủ biên đã đưa ra một cách nhìn hệ thống, có tính xuyên suốt cả chiều dài lịch sử, cả không gian địa lý, về dân cư, về quá trình di dân trên đất Hà Nội. Đây cũng là cuốn sách quan trọng trong mảng sách Địa lý của Tủ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến giai đoạn 2 của Nhà xuất bản Hà Nội (Tủ sách giai đoạn 1 với trên 90 đầu sách, giai đoạn 2 với 40 đầu sách. Đến nay, Nhà xuất bản Hà Nội đã hoàn thành việc tổ chức biên soạn, thẩm định nghiệm thu hơn 39/40 đầu sách có giá trị phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội).
Theo Từ điển từ và ngữ Việt Nam của GS. Nguyễn Lân thì dân cư là “nhân dân thường ở một nơi”, còn di dân là “đưa dân đi ở nơi khác”. Suy rộng, dân cư ở Hà Nội là những người sinh ra và lớn lên, gắn bó với Hà Nội, có hộ khẩu Hà Nội. Còn di dân hiểu theo nghĩa rộng là sự dịch chuyển bất kỳ của con người trong một không gian và thời gian nhất định kèm theo sự thay đổi nơi cư trú tạm thời hay vĩnh viễn. Hiểu theo nghĩa hẹp thì di dân là sự di chuyển dân cư từ một đơn vị lãnh thổ này đến một đơn vị lãnh thổ khác, nhằm thiết lập nơi cư trú mới trong một không gian, thời gian nhất định. Nếu xét theo đúng từ ngữ thì cụm từ “dân cư và quá trình di dân” có thể hiểu là đi và đến chỉ trong phạm vi địa giới Hà Nội chứ không phải là từ tỉnh thành khác đến hoặc dân Hà Nội chuyển đến địa phương khác. Hơn nữa, “phân bố dân cư”, “di dân” có thể xem là những thành tố thuộc nội hàm của “dân cư”. Khi bàn đến lịch sử hình thành cư dân Thăng Long - Hà Nội quá trình di cư, hội tụ về mảnh đất này đương nhiên phải nhắc đến.