Hệ thống thư viện Sách điện tử

THPT Hoàng Cầu

  • 9(V)
  • Giới thiệu sách

    Triều Nguyễn là triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam, bắt đầu từ vua Gia Long lên ngôi năm 1802 và kết thúc khi vua Bảo Đại thoái vị năm 1945. Trong quá trình quản lý nhà nước, chính quyền triều Nguyễn đã ban bố một hệ thống văn bản hành chính tương đối đầy đủ và hoàn chỉnh của tất cả các cơ quan trong bộ máy chính quyền. Hệ thống văn bản này do Nội các triều Nguyễn tập hợp và quản lý thống nhất thành một khối văn thư của triều đình gọi chung là “Châu bản triều Nguyễn”. Trong hệ thống Châu bản triều Nguyễn hiện còn lưu trữ tại các trung tâm lưu trữ thì Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội có khối lượng tương đối lớn, khoảng gần 5 nghìn văn bản có liên quan. Cuốn sách “Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội” do TS. Đào Thị Diến (chủ biên) cùng các cộng sự đã chọn lọc, dịch và chú giải khoảng 1200 văn bản tiêu biểu chủ yếu viết bằng chữ Hán Nôm, một số ít bằng chữ Pháp và quốc ngữ, được sắp xếp theo thứ tự niên đại từ Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân đến Bảo Đại. Cách sắp xếp như vậy giúp cho độc giả có cái nhìn bao quát về các chính sách của triều Nguyễn ở từng niên đại trên từng vấn đề cụ thể. Đồng thời có thể nhận thấy sự giống và khác nhau trong quan điểm, đường lối trị vì của các vị vua triều Nguyễn ở những thời điểm lịch sử khác nhau. “Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội” phản ánh tương đối khái quát các vấn đề kinh tế - văn hóa, an ninh - xã hội của tỉnh Hà Nội cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Trong đó tập trung chủ yếu các vấn đề: Tổ chức bộ máy hành chính như bổ nhiệm các chức quan của Hà Nội từ cấp Tri huyện trở lên; tình hình an ninh - trật tự với các vụ án tố tụng hay dẹp giặc cướp; các báo cáo tình hình thời tiết, mùa màng, lũ lụt, việc tu bổ quản lý đê điều; việc mua bán sản xuất một số mặt hàng quý phục vụ triều đình; tình hình bệnh dịch, y tế... cùng những vấn đề về đối ngoại bang giao với người nước ngoài mà chủ yếu là với Trung Hoa và Pháp. Đặc biệt có báo cáo của Hà Nội và Cơ Mật viện trình lên Hoàng thượng về việc quân Pháp đánh thành Hà Nội năm 1873. Trong hơn 100 năm nhiều biến động (1802 - 1945), vùng đất Hà Nội - nơi từng được nhiều triều đại định đô có sự thay đổi lớn về vị trí hành chính, trở thành trấn thành rồi một tỉnh hành chính. Tuy nhiên “Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội” cho thấy vị trí địa - chính trị, vị thế đối ngoại quan trọng của Hà Nội trong chiến lược ngoại giao của vương triều Nguyễn và các giá trị văn hóa lâu đời được tích hợp ở Hà Nội không bị lu mờ. Sách cũng phản ánh những vấn đề nội chính của Hà Nội trong thể chế quân chủ - thuộc địa và số phận người Hà Nội trong biến động xã hội. Phần Phụ lục giới thiệu một số bản Dụ của vua Đồng Khánh, Bảo Đại về các vấn đề của Hà Nội được dịch trong khối tài liệu tiếng Pháp (tại Việt Nam và Lưu trữ Hải ngoại Pháp Aix–en- Provence). Cuối sách có các Bảng tra cứu theo chủ đề, theo xuất xứ văn kiện, theo địa danh. Có thể nói cuốn sách “Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội” ra đời góp thêm một tư liệu quý giá cho việc nghiên cứu về lịch sử Thăng Long - Hà Nội trên một chiều cạnh mới.

    Mở rộng

    Đang tải...
Sách tương tự

Trường THPT Hoàng Cầu

Địa chỉ: Số 27 Ngõ 44 Phố Nguyễn Phúc Lai - Ô Chợ Dừa - Đống Đa - Hà Nội Website: thpthoangcau.thuvien.edu.vn  QR Code Email: c3hoangcau@hanoiedu.vn - Hotline: 02438511976
Đang nghe bạn nói...