Hệ thống thư viện Sách điện tử

THPT Hoàng Cầu

  • V23
    • Chân trời cũ

    • Nhà xuất bản: Hội nhà văn
    • Năm xuất bản: 2014
    • Tác giả: Hồ Dzếnh
    • Loại ấn phẩm: Sách
    • Hiện có: 1 cuốn sẵn sàng mượn
  • Giới thiệu sách

    “Tôi không làm thơ đâu.” Hồ Dzếnh đã giãi bày như thế ngay ở những dòng đầu tiên của truyện ngắn mở đầu tập Chân trời cũ (1942). Lời giãi bày ấy như một xác nhận: những câu chuyện trong truyện ngắn này đều không tô đậm kịch tính hay cố gắng thi vị hóa, chúng là những tự sự mộc mạc, được kể lại bằng một lối viết dung dị và một giọng điệu mang hơi hướng tự thú. Như sau này, Hồ Dzếnh có chia sẻ với nhà nghiên cứu văn học Văn Tâm về xúc cảm thôi thúc ông viết tập Chân trời cũ: “Tôi chỉ viết khi nào tôi hối hận”[1]. Hối hận là thứ cảm xúc chỉ có thể nảy sinh từ sự chân thành, từ sự nghiêm khắc, không dễ tự tha thứ cho chính mình và từ ý thức trách nhiệm ở con người. Chính thứ tình cảm đạo đức này là cội nguồn của chất trữ tình thấm đẫm trong tập truyện và cũng là yếu tố tạo nên “ma lực” (chữ dùng của Văn Tâm) của những câu chuyện mà đối với tác giả, trước khi mang một ý nghĩa văn chương nào đó, chúng giống như một lời sám hối, một lời tạ lỗi đối với những người thân của ông. Về mặt thể loại, có thể xem Chân trời cũ là một tác phẩm tự truyện. Toàn bộ tập truyện là những hồi ức về tuổi thơ, về quê hương, về gia đình của tác giả. Chân trời cũ không chỉ là những chân dung bằng ngôn từ về những người thân trong gia đình mà còn là chân dung tự họa của chính tác giả: một người giờ đã trưởng thành, sống đời tha phương, nếm mùi son phấn và phù hoa chốn kinh kỳ cũng như trải nghiệm đủ tổn thương, cay đắng, ngồi viết lại những hoài niệm để như soi gương nhìn lại chính mình thời thơ bé. Cậu bé Hồ Dzếnh, qua những mẩu tự thuật này, vốn là đứa trẻ giàu lòng trắc ẩn, nhạy cảm với đời sống, đặc biệt là những nỗi khổ của những người xung quanh nhưng cũng có lúc vẫn vô tâm nên không để ý, không nhận thấy những nối khổ ấy, thậm chí vô tình làm tổn thương họ. Chân trời cũ là tập hợp chân dung những mảnh đời nhọc nhằn, khổ ải: có nỗi long đong của những người mang thân lưu lạc xứ người, có nỗi vất vả của đời sống mưu sinh cơ cực, có nỗi cay đắng của gia đình khi thất thế, sa sút, có nỗi tủi hờn của những số phận thiệt thòi, có nỗi bế tắc của những kiếp sống chừng như vô hướng. Và còn cả những bất hạnh, những bi kịch đổ ập xuống ngay cả khi tưởng con người đã thỏa hiệp với đời hoàn toàn. Nhưng ngay cả khi ấy, Hồ Dzếnh cũng không lựa chọn một giọng điệu bi cảm thống thiết để kể lại những biến cố đau buồn; giọng điệu trong Chân trời cũ nghiêng về một sắc thái xót xa nhưng thâm trầm, chấp nhận, như thể những thống khổ kia không chỉ là định mệnh của riêng ai mà là một trạng thái phổ quát của nhân sinh. Có thể việc đi theo tôn giáo – như chính tác giả đã thuật lại ở một vài tác phẩm ngay trong tập truyện này – có ảnh hưởng nào đó chăng đến sắc thái giọng điệu chủ đạo của Chân trời cũ? Tuy nhiên, điều đó mới chỉ là giả thiết. Trong truyện ngắn “Vừa một kiếp người”, ta đọc được đoạn văn này: “Nhìn lên tượng Chúa, tôi thấy tự đấy tỏa ra một lẽ thiêng liêng, nhân từ và đẹp đẽ. Tôi nhìn vào trong hồn, hình ảnh một tù nhân của đời xổ tóc, ngày ngày nhìn ra mây gió, làm tôi đoạn lòng”. Viết văn, xét đến cùng, lại là việc “nhìn vào trong hồn” nhiều hơn. Vì thế, cảm giác dằn vặt, ân hận là cảm giác không gột rửa được trong văn Hồ Dzếnh. Đó là nỗi day dứt vì chưa hiểu, chưa thấy được, chưa thông cảm hết được với những nổi khổ của kiếp người, nhất là khi nỗi khổ ấy lại là thứ không nói lên được, ẩn trong sự chịu đựng, nhẫn nại và nhẫn nhục của con người, đặc biệt ở các nhân vật nữ trong tập truyện. Hồ Dzếnh có lẽ bị ám ảnh bởi những cái nhìn buồn bã kín đáo, những tiếng thở dài, những tiếng khóc rấm rứt, những cái cúi đầu cam chịu của các nhân vật bởi ấn trong đó là những tâm sự, những khổ tâm, những đau đớn mà ông đã chưa hiểu thấu ngay khi còn thơ bé hoặc cũng không biết làm gì hơn để nâng đỡ, an ủi. Viết, do đó, là sự tự trách của nhà văn, là lời nhắc nhở về thái độ thấu đáo, bao dung, độ lượng cần có vì con người luôn còn một cái gì đó chưa nhìn ra được, chưa hiểu ngay được. Thật vậy, ngay cả ở những nhân vật dễ gây ấn tượng ác cảm như chú Nhì trong truyện ngắn cùng tên chẳng hạn, Hồ Dzếnh vẫn cho thấy việc phán xét con người dường như là điều không phải. Trong những xu hướng mới của việc diễn giải văn chương, cách đọc khai thác vấn đề căn tính (identity) hàm chứa trong tác phẩm đang được chú ý nhiều bởi khả năng khám phá, phát lộ nhiều ý nghĩa mới. Theo đó, Chân trời cũ đáng được đọc lại như một tự sự rất sớm trong văn học Việt Nam hiện đại về mối quan hệ giữa quê quán, gốc gác (mà thực chất trong tác phẩm này, quê quán gắn liền với ý niệm dân tộc [ethnic]) và cá nhân. Trong tập truyện, có nhiều truyện nhấn mạnh đến gốc gác Trung Hoa của gia đình tác giả. Xứ sở Trung Hoa ấy là quê của Hồ Dzếnh nhưng trong nhận thức chân thành của cậu bé thiếu niên lúc đó, nó giống như một ý niệm exotic quyến rũ hơn là sự thân thuộc, gần gũi mà người ta thường nghĩ đến khi nói về quê: “Lòng tôi nghe vang một thứ gió âm u của miền sa mạc Mông Cổ trôi qua Thiểm Tây, Cam Túc, luồn vào những khu rừng không tên của hai tỉnh Lưỡng Quảng, vượt trùng dương sang tôi, như tiếng thở dài não nùng của những linh hồn phiêu bạt. Không hiểu sao lòng tôi rưng rưng…” (“Chú Nhì”). Trung Hoa, trong tưởng tượng của Hồ Dzếnh, không phải chỉ là một diễn ngôn kiêu hãnh mà còn là một nước Tàu “lắm cướp, dân nhiều, gạo ít” theo lời người cha vốn xuất thân từ một gia đình danh giá ở Quang Đông, gặp buổi thời thế tao loạn, phải lưu lạc sang nước Việt. Từ cuộc đời lưu lạc của người cha, ý niệm đậm nét hơn cả ở tác giả về Trung Hoa là một tổ quốc “với những manh áo chàm giang hồ tứ xứ”. Người Trung Hoa lưu lạc trong văn Hồ Dzếnh không phải không thấp thoáng nét ngang tàng, ngạo nghễ, nhưng chủ yếu họ là những con người phiêu bạt, dở dang, thất thế. Họ mang thân phận của những kẻ thiểu số, của những kẻ bị gián cách với cố hương, sống giữa những định kiến của người địa phương, có những cô đơn, u uẩn không dễ thấu hiểu. Song sâu sắc hơn cả, Hồ Dzếnh đã nhạy cảm nhận ra sự chèn lấp, trấn áp của những diễn ngôn về quê quán, gốc gác, lên giá trị của con người như là những cá nhân. Trong truyện “Người chị dâu tôi”, người phụ nữ Trung Hoa được xem là phương tiện để thực hiện mục đích gây lại nòi giống Trung Hoa mà người cha áp đặt lên con trai của mình. Rồi người chị dâu lại bị dứt khỏi quê hương Trung Hoa của mình về sống nơi xứ Việt. Chính trên không gian này, người phụ nữ ấy lại buộc phải “Việt” hóa để sống đúng với những bổn phận dâu con. Ý thức hệ gia trưởng bao hàm trong đó ý niệm về việc duy trì gốc gác, nòi giống đã tước đi ở chị quê hương, giá trị tự thân và chỉ còn lại một cuộc đời nhẫn nhục, im lặng. Trong đoạn văn này, người chị được miêu tả như một tồn tại không mặt và không lời: “Hai năm sau, chị dâu tôi hoàn toàn thành người đàn bà quê Việt Nam đặc. Trên cánh đồng rộng rãi của làng Đông Bích, người ta thường thấy một cô gái áo chàm in bặt trên nên trời mỗi sáng chăm chỉ và lặng lẽ như dấu hiệu một cuộc sống vâng lời ngu muội.” Ở đây, văn chương Hồ Dzếnh đã nghe thấy những nỗi đau không lời, nhìn thấy những nỗi đau vô hình của những con người cụ thể tưởng như bị chìm lấp dưới những diễn ngôn siêu tự sự về căn tính. Những thứ văn chương có khả năng nghe thấy, nhìn thấy những nỗi đau như thế, thực ra, cũng không thật nhiều trong văn học Việt Nam. Thường, thứ văn chương ấy giống như những tiếng nói nhỏ, không thuyết giảng, không kêu gọi. Đó là thứ văn chương cả nghĩ, không cho phép mình vô tâm ngay cả với những điều ngỡ như tầm thường, nhỏ nhặt nhất. Người ta theo đuổi một thứ văn chương cứ tự bắt mình dằn vặt, khắc khoải, ngẫm ngợi như thế để làm gì? Hồ Dzếnh trong truyện ngắn “Thằng cháu đích tôn” đã đưa ra câu trả lời mà tôi nghĩ rất thấm thía. Tôi muốn dùng nó để kết lại những suy tư của mình khi đọc lại Chân trời cũ: “Cháu ạ, gây dựng trong cuộc đời, là điều tốt; nhưng phá hoại vì văn chương, sự ấy cũng không kém vinh hạnh gì. Cả hai cùng chứng rằng ta đã sống.” Vậy đó, văn chương, đơn giản và sâu xa, là xác nhận một đời sống đúng nghĩa.

    Mở rộng

    Đang tải...
Sách tương tự

Trường THPT Hoàng Cầu

Địa chỉ: Số 27 Ngõ 44 Phố Nguyễn Phúc Lai - Ô Chợ Dừa - Đống Đa - Hà Nội Website: thpthoangcau.thuvien.edu.vn  QR Code Email: c3hoangcau@hanoiedu.vn - Hotline: 02438511976
Đang nghe bạn nói...