Sự tái hiện chân thực bức tranh về tư liệu, của chính tiếng nói người trong cuộc, đã giúp độc giả ngày nay biết được thêm nhiều điều thú vị về tác giả và tác phẩm Thơ mới
Sau bước khởi động nhận đường diễn ra sôi nổi ở Sài Gòn giai đoạn 1932-1933 gắn với tờ Phụ nữ Tân văn, phong trào Thơ mới đã chuyển vùng và phát triển, đơm hoa kết trái ở Hà Nội, nơi hội tụ của thi ca bốn phương, góp phần quan trọng làm nên thành tựu phong trào Thơ mới Việt Nam.
Lâu nay, trong việc thưởng thức Thơ mới, gần như một quán tính, người ta thường nghĩ đến những gì đã được Hoài Thanh và Hoài Chân giới thiệu trong "Thi nhân Việt Nam" (1942). Theo sự sàng lọc của thời gian và người đọc, việc giới thiệu Thơ mới trong tác phẩm này đã trở thành điển phạm phê bình, tiếp nhận. Hoài Thanh và Hoài Chân thật sự là tri âm của Thơ mới.
Công việc của tác giả "Thi nhân Việt Nam" là bao quát tư liệu, thẩm định và chọn lựa tác phẩm. Các ông đã theo dõi sát sao sự phát triển của phong trào Thơ mới, trên cơ sở cứ liệu phê bình và tranh luận văn học đương thời để viết lời dẫn "Một thời đại trong thi ca" của "Thi nhân Việt Nam", tổng kết một cách xuất sắc lịch sử của phong trào Thơ mới.
Nhu cầu tìm hiểu về bức tranh lịch sử phong trào Thơ mới của chúng ta ngày hôm nay đòi hỏi phải tìm lại những tư liệu nguyên gốc, những cuộc tranh luận, các bài phê bình, trong đúng sinh quyển của phong trào Thơ mới. Đó là tiếng nói của những người đương thời Thơ mới về Thơ mới.
Với nội dung quan trọng này, sau 75 năm thoái trào Thơ mới (1932-1945), chúng ta mới được mục sở thị một cách hệ thống và cũng chỉ mới là một phần của cả nước, trong công trình "Biên niên sử phong trào Thơ mới Hà Nội (1932-1945)" (NXB Hà Nội, 2019).
Sách gồm 2 tập, tổng cộng 1.596 trang, do PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn chủ biên. Phạm vi tư liệu chủ yếu là nguồn sách báo xuất bản ở Hà Nội giai đoạn 1932-1945. Đây là tâm huyết của các nhà nghiên cứu thực hiện trong nhiều năm qua. Trong khi chuẩn bị để tiến đến biên soạn một tập đại thành biên niên sử Thơ mới Việt Nam, công trình này đã tạo nền tảng quan trọng bước đầu.
"Biên niên sử phong trào Thơ mới Hà Nội (1932-1945)" là bộ sưu tập, thống kê các nguồn tài liệu liên quan trực diện, xuất hiện đồng thời cùng với phong trào Thơ mới Hà Nội trong giai đoạn 1932-1945, qua các nguồn tư liệu trên sách báo, theo thời gian rất khó tiếp cận. Đó là các bài tựa, bạt, phát biểu cảm tưởng, phân tích, bình luận, bình giảng; những cuộc luận chiến nảy lửa về quan niệm Thơ mới - cũ; các sự kiện gắn với xuất bản, tiếp nhận, nhận định, đọc sách, điểm sách, tin sách, tin thơ, giai thoại, thông tin, quảng cáo, giới thiệu chân dung, hồi ức, kỷ niệm của người đương thời, cùng thời với phong trào Thơ mới.