Bộ Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội được biên soạn với tư cách công trình tra cứu nhằm mục đích:
- Cung cấp cho các đối tượng bạn đọc những hiểu biết một cách hệ thống và toàn diện về tiến trình lịch sử và văn hoá Thăng Long - Hà Nội.
- Cung cấp cho các nhà quản lí những thông tin cần thiết về mọi mặt của đời sống đô thị và những biến đổi về nhiều mặt qua quá trình lịch sử, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác chỉ đạo thực tiễn.
- Cung cấp cho các nhà nghiên cứu về lịch sử và văn hoá Thủ đô những tư liệu cơ bản nhất, góp phần nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu, thúc đẩy sự phát triển của ngành Hà Nội học;
- Cùng với bộ Lịch sử Thăng Long - Hà Nội (do GS. Phan Huy Lê chủ biên), bộ Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội sẽ là hai bộ sách có tính chất tập đại thành về lịch sử Thăng Long - Hà Nội, là những ấn phẩm đặc biệt có ý nghĩa chào mừng Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi.
- Bộ sách được biên soạn nhằm góp phần tổng kết lịch sử Thăng Long - Hà Nội trong chiều dài 1000 lịch sử một cách khoa học.
- Đây sẽ là một công trình khoa học trực tiếp góp phần vào đại lễ kỉ niệm Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi.
Cho đến nay, việc nghiên cứu biên soạn lịch sử Thủ đô Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế. Ngoài bộ Lịch sử Thủ đô Hà Nội do Trần Huy Liệu chủ biên (Nhà xuất bản Sử học in lần đầu năm 1960, Nhà xuất bản Hà Nội tái bản năm 2000), cuốn Hà Nội thủ đô nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Namdo Trần Quốc Vượng chủ biên (Nhà xuất bản Sự thật in lần đầu năm 1984), Thăng Long - Hà Nội do Lưu Minh Trị và Hoàng Tùng đồng chủ biên (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia in lần đầu năm 1999), vẫn chưa có bộ sử nào phản ánh toàn bộ tiến trình lịch sử Thủ đô tập đại thành những thành tựu mới nhất của sử học và các ngành khoa học liên quan. Bộ Lịch sử Thăng Long - Hà Nội do Phan Huy Lê chủ biên mới đang trong quá trình biên soạn dự kiến hoàn thành và xuất bản nhân dịp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Các bộ sách trên đều được viết dưới dạng thông sử chứ không phải dưới dạng biên niên. Gần đây, cuốn Thăng Long - Hà Nội 1000 sự kiện do Vũ Văn Quân chủ biên (Nhà xuất bản Hà Nội, H. 2007) là loại sách biên niên, tuy nhiên cuốn sách này chỉ dừng lại ở chỗ lựa chọn đúng 1000 sự kiện tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội, khó phản ánh được đầy đủ lịch sử của Thủ đô. Hơn nữa, cuốn sách này được biên soạn nhằm mục đích phục vụ đông đảo các tầng lớp nhân dân, nên thiếu phần chỉ dẫn nguồn tài liệu và phần tra cứu, rất khó khăn cho các nhà nghiên cứu muốn trích dẫn, tra cứu lại tài liệu gốc.
Bên cạnh đó, một số đề tài nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội (thuộc chương trình KX.09) khi chuẩn bị tư liệu cũng có sưu tầm và làm biên niên theo mảng nghiên cứu của đề tài như về đối ngọai, giáo dục, hành chính... Tuy nhiên, những phần biên niên này chỉ có dưới dạng thô, được xây dựng phục vụ trực tiếp cho các đề tài liên quan với mục đích và yêu cầu khác nhau của các nhóm tác giả, chứ không biên soạn theo cùng nguyên tắc và mẫu thống nhất, nhằm in thành ấn phẩm phục vụ đông đảo bạn đọc, nhà nghiên cứu, nhà quản lý.
Vì vậy, nhóm tác giả chúng tôi đặt vấn đề biên soạn Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội với mong muốn trình bày lịch sử Thăng Long - Hà Nội dưới dạng biên niên - một loại sách mang tính công cụ, có thể đáp ứng yêu cầu cấp thiết tìm hiểu lịch sử thủ đô trên nhiều phương diện. Nếu được xuất bản, đây sẽ là bộ sách đầu tiên về lịch sử Thăng Long - Hà Nội viết dưới dạng biên niên, không chỉ là công cụ tra cứu rất hữu dụng cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý về từng vấn đề (như chính trị, hành chính, kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học, giáo dục, quân sự, ngọai giao ...) hay từng giai đoạn lịch sử, mà còn là một “cẩm nang” đầy đủ nhất về Thăng Long - Hà Nội cho đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước muốn tìm hiểu một cách chính xác, cụ thể từng sự kiện đã xảy ra trên mảnh đất anh hùng và văn hiến này.
- Đông đảo bạn đọc trong và ngoài nươc muốn tìm hiểu một cách toàn diện về lịch sử và văn hoá Thăng Long - Hà Nội.
- Cung cấp cho các nhà khoa học hệ thống tư liệu đầy đủ nhất, góp phần nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội.
- Đồng thời đây cũng là tư liệu rất quý cho các nhà quản lí trong việc kế thừa và vận dụng những giá trị lịch sử nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo trong thực tiễn hiện nay.