Theo Bác, công tác giáo dục thế hệ trẻ ngay từ bậc mầm non, tiểu học có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành, rèn luyện đạo đức và nhân cách con người đồng thời cung cấp kiến thức, kỹ năng để trẻ có nền tảng phát triển. Bác đã nói, cách dạy trẻ phải “giữ toàn vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hóa ra những người già sớm”. Bác thường nhắc nhở: “chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn”. Tư tưởng tiến bộ đó của Bác đã cho chúng ta nhận thấy giá trị quan trọng của công tác giáo dục nhi đồng nói riêng và sự nghiệp giáo dục nói chung – sự nghiệp đó phải thực sự khoa học và nghiêm cách.
Mỗi câu chuyện là những kỷ niệm sâu sắc từng nơi Bác đã đến như: Thư gửi giáo viên, học sinh,cán bộ thanh niên và nhi đồng, Trường âm nhạc Việt Nam, Trường Sư phạm miền núi Trung ương, một lớp học của Tổng cục chính trị, trường Điện ảnh Việt Nam; trường học sinh miền Nam ở Hải Phòng, trường Trung học Nguyễn Khuyến Nam Định… Tất cả đều là những cảm xúc thiêng liêng nhất của những người đã từng được gặp Bác – một vị chủ tịch nước dù bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn dành thời gian đến thăm trường, hay đi bất cứ nơi đâu đều mang theo bao sự yêu thương bằng lời động viên, nhắc nhở, dặn dò thầy trò, thanh thiếu niên học sinh về sự đoàn kết, yêu thương nhau và nỗ lực học tập vươn lên trong bất kỳ môi trường, hoàn cảnh nào cũng phải phấn đấu để trở thành những công dân có ích của Tổ quốc. Thật xúc động khi đọc câu chuyện “Tình thương của Bác”: vào tháng 3 năm 1966, chỉ một buổi sáng 44/45 em học sinh lớp 6A trường cấp 2 Hương Phúc thuộc huyện Hương Sơn – Hà Tĩnh, đã bị vùi lấp dưới hố bom (chỉ còn lại một em sống sót vì có việc nhà xin đến muộn), nơi đây chịu đựng bao ác liệt của không lực Hoa Kỳ đã rải thảm bom B.52 vào làng mạc, bệnh viện chùa chiền, nhà thờ, trường học. Được tin đau thương này, dù rất bận rộn nhưng Bác không quên một lớp học nhỏ đau thương – nơi thâm Sơn xa vời trong trăm ngàn lớp học khác. Bác đã cho mời Bộ trưởng Bộ Giáo dục, thầy trò của Trường và đại diện thân nhân của em bị nạn đến thăm hỏi, vỗ về, an ủi.
Trong vấn đề học tập, Bác nhắc nhở học sinh, sinh viên Việt Nam rằng: “Làm nghề gì cũng phải học” và mục đích của việc học là để “nâng cao năng lực làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống nhân dân càng no ấm, vui tươi”. Điều đó có nghĩa rằng ngay cả đối với một bộ phận thanh niên không theo học đại học, cao đẳng, thì việc học cũng luôn là việc hết sức quan trọng. Học từ các lớp dạy nghề, học từ kinh nghiệm cuộc sống, từ người đi trước, tự học…để nâng cao lối sống tích cực, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp để ứng dụng được kiến thức vào lao động sản xuất và làm ăn kinh tế nhằm làm giàu cho bản thân cũng như xã hội.